Thị trường BĐS ở Việt Nam hiện nay
Năm 2022 và đặc biệt là nửa cuối năm 2022, thị trường bất động sản (BĐS) gặp nhiều khó khăn do tình hình kinh tế thế giới cũng như nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình phục hồi phát triển sau tác động của đại dịch COVID-19. Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, kể từ sau khi bùng nổ lượng giao dịch BĐS vào quý II/2022, thị trường bắt đầu trượt dốc từ quý III/2022 và duy trì tình trạng khó khăn trong suốt cả năm 2023.
Bối cảnh khó khăn của nền kinh tế nói chung và của thị trường BĐS hiện nay nói riêng đã tác động tiêu cực đến tình hình kinh doanh của phần lớn doanh nghiệp trong ngành. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến hết năm 2023, số doanh nghiệp BĐS giải thể, lên tới 1.286 doanh nghiệp, tăng 7,7% so với năm 2022.
Bước sang năm 2024, thị trường BĐS có những thay đổi nhất định. Nổi bật là niềm tin vào thị trường đã ghi nhận có sự cải thiện, cùng với đó lượng giao dịch BĐS thành công đã có sự cải thiện. Đối với tỷ lệ hấp thụ chung toàn thị trường, ước tăng khoảng 3,6 lần so với cùng kỳ năm 2023. Nhu cầu tìm kiếm BĐS quý I/2024 tăng lên đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, các dự án đang mở nhận đặt chỗ (Booking) cũng ghi nhận số lượng đăng ký tương đối khả quan. Điều này cho thấy, sự quan tâm và chuẩn bị của người mua trước tình hình đang có chuyển biến tích cực hơn của thị trường.

Doanh nghiệp bất động sản cần chuyển mình để tồn tại
Mặc dù, đã có những tín hiệu tích cực trên thị trường cuối năm 2023, thế nhưng thị trường bất động sản 2024 vẫn được đánh giá là vẫn tồn tại nhiều khó khăn như vấn đề kinh tế thế giới suy thoái, tăng trưởng chậm gây ảnh hưởng tới nền kinh tế đất nước.
Để có thể tồn tại cũng như vực dậy thị trường bất động sản, ông Chung cho rằng cần sự chung tay, góp sức, vào cuộc chung của toàn hệ thống. Trong đó, bản thân doanh nghiệp bất động sản cũng cần phải tiếp tục tái cơ cấu sản phẩm, dồn trọng tâm vào các dự án khả thi, đáp ứng được nhu cầu tài chính của người dân. Hạn chế phát triển sản phẩm phục vụ đầu tư, ưu tiên phát triển sản phẩm phục vụ nhu cầu ở thực.
Hơn hết là hoạt động theo hướng “chậm nhưng chắc”, xác định rõ tinh thần, 2024 vẫn là một năm đầy thách thức cần vượt qua. Với các chủ đầu tư phát triển dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng cần đặc biệt lưu ý đến khâu quản lý vận hành để đảm bảo tính khả thi cho các phương án khai thác cho thuê của khách hàng/nhà đầu tư.
Một số bất cập của thị trường bất động sản hiện nay
Hệ thống pháp luật về thị trường BĐS chưa đồng bộ, rõ ràng và còn phức tạp, sửa đổi không kịp thời, như quy định của pháp luật về condotel (căn hộ và khách sạn), officetel (văn phòng và khách sạn); mặc dù đã được trao đổi, đóng góp ý kiến rất nhiều lần nhưng những quy định của pháp luật về các loại hình BĐS này chưa được đề cập cụ thể, đầy đủ, tường minh.
- Chính sách về phát triển thị trường BĐS chưa phù hợp, đặc biệt là tính công khai, minh bạch của thị trường rất thiếu và yếu. Nếu thông tin còn mù mờ thì thị trường không thể phát triển lành mạnh, công tác quản lý cũng gặp khó khăn.
- Công tác quy hoạch chưa được chú trọng, nhất là tại những khu đô thị mới.
- Tài chính BĐS bao gồm thuế, phí, các kênh dẫn vốn khác nhau còn bất cập (như chính sách thuế, đề xuất đánh thuế từ BĐS thứ hai được bàn cãi rất nhiều nhưng cũng chưa có phương án, lộ trình thực hiện khả thi).
- Năng lực, tư duy của các chủ thể tham gia thị trường, tính bài bản, chuyên nghiệp, dài hơi còn có vấn đề.
- Thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, xây dựng, đấu thầu, đặc biệt là đất đai vô cùng phức tạp, cần có giải pháp để tháo gỡ những “điểm nghẽn” này trong thời gian tới.
- Thị trường hỗ trợ cho thị trường BĐS cũng phát triển chưa tốt (như thị trường tài chính, lao động, vật liệu xây dựng).
- Thông tin dữ liệu, chuyển đổi số trong ngành BĐS còn chậm so với các ngành khác.
Tiềm năng của thị trường bất động sản Việt Nam
Hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản cũng cần điều chỉnh lại cơ cấu phân khúc và giá thành sản phẩm, tiếp tục nâng cao chất lượng dự án và tăng cường niềm tin của nhà đầu tư. Họ cũng cần tăng cường huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán.
Trong đó, sự đô thị hóa tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong năm 2024. Các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM và các khu vực lân cận đang chứng kiến sự gia tăng về nhu cầu nhà ở và dịch vụ. Điều này tạo ra nhiều cơ hội cho các dự án bất động sản ở khu vực ngoại ô, nơi có tiềm năng phát triển lớn và giá trị tăng cao. Các khu đô thị mới và khu dân cư phức hợp đang được xây dựng để đáp ứng nhu cầu của cư dân đô thị ngày càng tăng.
Năm 2024 là một năm đầy triển vọng cho thị trường bất động sản Việt Nam. Với sự phát triển kinh tế, đô thị hóa và công nghệ, ngành bất động sản đang trở thành một lĩnh vực hấp dẫn và đầy tiềm năng. Tuy vẫn còn đối mặt với thách thức, nhưng với sự đầu tư vào hạ tầng, quy hoạch và công nghệ, thị trường bất động sản Việt Nam có tiềm năng phát triển mạnh mẽ và đáng chú ý trong năm 2024 và trong tương lai.